Tập 1
Sau khi đánh chết Bá Kiến trong một cuộc ẩu đả tưng bừng trước nhà Chị Dậu, Chí Phèo nghiễm nhiên trở thành chủ nhân ông của làng Vũ Đại, được đông đảo dân chúng ủng hộ hết mình. Kết thúc trận kịch chiến ấy, Phèo từ một tay bợm nhậu bỗng chốc biến thành người hùng. Trong mắt dân chúng, kể cả một số kẻ thù xưa của Phèo, hắn là một trang hảo hán, là người soi đường chỉ lối.
Trên cương vị mới, Phèo bắt đầu tận hưởng hương vị chiến thắng và thi hành chính sách chăn dân do người anh lớn cai quản làng bên là Lão Hạc tư vấn. Đối với đám bạn nhậu đầu trộm đuôi cướp thuở xưa, ai biết điều thì Phèo cất nhắc lên các vị trí như phụ trách phòng sưu thuế, chỉ huy đội trị an hoặc ít ra cũng cầm loa, gõ mõ. Ai bướng thì Phèo cho vào hợp tác xã, suốt ngày bán mông cho trời, bán mặt cho đất. Đám dân chúng ủng hộ Phèo cũng không khá hơn. Tất cả đều bị lùa vào hợp tác xã. Họ làm lụng quần quật suốt ngày, không còn thời gian để suy nghĩ, thành ra não bộ và lá gan họ teo tóp đến thảm hại.
Đối với tàn quân của Bá Kiến thì khỏi phải nói, Phèo triệt tận gốc. Sợ quá, lũ này di tản sang các làng lân cận. Kẻ không chạy được thì đành ở lại làng Vũ Đại, ngậm đắng nuốt cay như chú hổ bị gã thợ săn Thế Lữ nhốt trong cũi sắt chờ ngày lên bếp lò để hóa thân thành cao hổ cốt.
Chính sách của Phèo thế mà hay. Dân làng Vũ Đại nghe răm rắp. Vì sợ. Khi không đám cận thần của Phèo chỉ đánh rắm một phát cũng có khối người nôn mật xanh mật vàng, chết không kịp ngáp. Làng Vũ Đại tuyệt đối an bình là vì thế.
Nhưng cùng với thời gian, Phèo đối mặt với nhiều mối lo mới. Nhờ tiếp xúc với các làng xã văn minh hơn, đám dân đen Vũ Đại ngày càng khôn ra. Một bộ phận trong số họ vẫn tin Phèo vô điều kiện như con cái tin cha mẹ, nhưng không ít người bắt đầu nghi ngờ Phèo, họ mày mò tìm hiểu bản chất lưu manh trong con người hắn ta. Đám cháu chắt Bá Kiến trong và ngoài làng cũng dần dà tìm cách ngóc đầu dậy. Thậm chí đôi lúc chúng đi lại nghênh ngang, đánh rắm một cách công khai mà chẳng hề nể sợ ai hết. Phèo tức lắm, hắn tìm đủ mọi cách để lập lại trật tự. Hắn vận dụng mọi ngón nghề của một bợm nhậu: đập bàn, dằn ly, xô ghế, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Phèo còn vận thêm mấy chiêu mà người anh lớn là Lão Hạc tư vấn như siết cổ, bịt mồm, bóp mũi. Nhưng chẳng ăn thua.
Giữa lúc tình hình làng Vũ Đại đang nước sôi lửa bỏng, Phèo đang nghiến răng trợn mắt thì Lão Hạc lại xuất hiện cùng mấy con vàng của lão. Lâu nay, cứ mỗi lúc Phèo gặp khó khăn là Hạc ta lại dẫn chó tới để tư vấn cho Phèo cách giải quyết, tất nhiên là có lệ phí hẳn hòi. Lúc thì lão mượn vài cô gái đẹp về đấm lưng, lúc khác lại xin dăm cặp gà tơ về nhắm rượu. Nhưng lần này khác, Hạc ta sấn tới và chẳng nói chẳng rằng lùa nguyên cả bầy trâu của làng Vũ Đại về. Phèo ức, nhưng nhìn lũ vàng nhe nanh trợn mắt của Lão Hạc, hắn ta hồn vía lên mây.
Phèo sợ, nhưng đám dân đen thì không. Họ kéo nhau ra cổng làng Vũ Đại, bắc loa mồm chửi Lão Hạc om sòm. Cả đám con cháu Bá Kiến trong và ngoài làng cũng nổi máu địa phương, đồng tâm hợp lực chửi rủa, rên xiết. Dàn đồng ca Vũ Đại càng hát càng khí thế. Phen này Lão Hạc già nua kia chỉ có đường thủng màng nhĩ mà thôi. Muốn yên thì hãy trả trâu.
Quả thực chưa bao giờ làng Vũ Đại chứng kiến một sự đoàn kết keo sơn đến thế. Khi máu địa phương, lòng tự tôn làng xã nổi dậy, lũ dân đen thật thà, đám bợm nhậu bị thất sủng, một vài kẻ có lương tâm trong số cận thần của Phèo cùng tàn quân Bá Kiến đã dẹp bỏ bất đồng để hướng mũi tấn công về kẻ thù chung có tên là Lão Hạc. Đây cũng là cơ hội vàng cho Phèo ta chấn hưng dân khí, củng cố sức mạnh địa phương, xây dựng tinh thần đoàn kết để đưa làng Vũ Đại tiến lên một tầm cao mới.
Thế nhưng, một mặt do quá khiếp nhược, sợ đám dân đen làm mếch lòng anh Hạc thì nguy to, mặt khác do sợ các thế lực Bá Kiến thuở xưa trỗi dậy và lo rằng dân chúng học được cách đứng lên tranh đấu thì sẽ gây nhiều nguy cơ cho chế độ cai trị gia trưởng của mình, nên Phèo ta quyết dẹp trò chửi rủa. Một mặt hắn bảo với dân làng: "Các con hãy về đi, chuyện anh Hạc đã có cha Chí đây lo. Các con cứ ăn no ngủ kỹ. Mai mốt trâu sẽ tự động về nhà. Đừng tụ tập chửi bới kẻo bị đám con cháu Bá Kiến lợi dụng, làm mất hòa khí giữa Vũ Đại ta và anh Hạc. Thằng Kiến thì các con biết rồi đấy. Nó ác, dâm, đểu. Nó là thằng khốn nạn. Các con phải nhớ điều ấy".
Cùng với lời khuyên giải như cha răn con, Phèo còn cho tay chân ra cổng làng giải tán dân chúng. Sau đó đi điểm mặt các nhân vật chủ chốt để tẩm quất. Hắn còn ra lệnh cho đám lâu la làm nghề đánh kẻng, gõ mõ, vác loa không được chửi Lão Hạc, không hùa theo dân đen, không cho bọn tàn quân Bá Kiến cơ hội lợi dụng, hãy ca ngợi tình đoàn kết giữa Chí Phèo và Lão Hạc.
Biện pháp của Phèo lần này cũng phát huy tác dụng. Vào những ngày tiếp sau đó, chẳng còn mống dân đen nào tụ tập trước cổng làng. Trò chửi bới Lão Hạc tuyệt nhiên không. Một vài kẻ dám ho khan, đánh rắm thì bị tay chân của Phèo đánh đập tơi tả.
Nhưng có một điều Phèo không nhận ra. Đó là giờ đây đã có thêm nhiều người ghét hắn. Đám cháu chắt Bá Kiến đã đành, đám bợm nhậu bị thất sủng chẳng nói làm chi. Ngay trong số dân đen từng tin Phèo vô điều kiện giờ cũng có thêm nhiều người nghi ngờ hắn, thậm chí oán hắn.
Phèo đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng để tập hợp dân chúng xây dựng làng Vũ Đại giàu mạnh khiến Lão Hạc không còn dám làm càn.
Giờ đây Phèo đang rất cô độc. Hắn không còn tâm trí nghĩ đến chuyện đòi lại đàn trâu nữa.
Tập 2
Sau khi dẹp được đám dân làng chửi rủa Lão Hạc, Phèo ta rất khoái chí. Chưa bao giờ hắn thấy rõ được uy quyền của mình như thế này. Giữa lúc hắn đang giương giương tự đắc thì ái thiếp Thị Nở tâu lên:
"Bẩm quan lớn, quan lớn biết tại sao đám dân đen có thể làm loạn không?"
"Ơ, con này hỏi kỳ... Thế tại sao nào?"
"Bẩm, tại chúng biết nói."
"Ơ, người thì phải biết nói chứ."
"Dạ bẩm, tại chúng biết nói nên chúng mới liên hệ với nhau được. Tại chúng biết nói nên chúng mới chửi anh Hạc được. Tại..."
"Thôi...", Phèo đập bàn quát lớn. Đây chính là điều Phèo hiểu rõ nhất. Ngày xưa nếu bị câm thì hắn đã không thể tru tréo trước cổng nhà Bá Kiến mỗi ngày được rồi. Phèo hiểu rõ rằng chính trò chửi bới liên hồi đó đã khiến lão Kiến hết chịu nổi mới dẫn đến trận thư hùng trước nhà Chị Dậu năm nào. Kết cục là Chí Phèo đả bại Bá Kiến để điều hành làng Vũ Đại. Nếu Phèo không biết nói, không thể chửi rủa thì hắn đã không có ngày hôm nay. Quả thực tiếng nói là một thứ vũ khí nguy hiểm.
"Hay!", Phèo thét lên khiến Thị Nở giật nảy mình. "Giỏi, ngươi đúng là ái thiếp của ta. Ngươi đúng là con đàn bà tóc dài mà đầu cũng dài hiếm hoi trên thế gian này. Ngươi chẳng những biết nấu cháo hành mà còn biết trò chơi quyền lực".
Thị Nở bẽn lẽn: "Hổng dám đâu." Đoạn ả nói tiếp: "Thế quan lớn sẽ làm gì nào?"
"Ngươi không phải dạy khôn ta. Ta tự có cách."
Ngay ngày hôm sau, Chí Phèo ra bố cáo bắt dân làng Vũ Đại không được nói, phải câm hoàn toàn. Ai vi phạm sẽ bị cắt lưỡi. Chỉ có Phèo và đám cận thần mới có đặc quyền nói.
Kể từ giờ phút đó làng Vũ Đại im ắng như bãi tha ma. Từ đầu đến cuối làng, người ta gặp nhau chỉ gật gật vài cái coi như "chào xã giao". Lũ trẻ con có lỡ khóc ré lên thì bố mẹ chúng vội vàng dùng tay bịt miệng, lấy giẻ nhét vào hoặc, áp dụng công nghệ hóa màu, dùng băng keo dán miệng. Cũng có vài trường hợp bức bối quá chịu không nổi, ho khan vài tiếng, thế là bị đám thuộc hạ của Phèo cắt lưỡi ngay lập tức.
Tình hình trên kéo dài được một thời gian thì cậu Nam Cao ở cuối làng nghĩ ra một chiêu mới để lách luật: đánh rắm. Số là Chí Phèo chỉ ra lệnh cấm nói chuyện nên việc đánh rắm không bị coi là phạm pháp. Thế là dân Vũ Đại chuyển qua đánh rắm thay cho nói. Người ta quy ước đánh một phát có nghĩa là "hello", đánh hai phát là "good bye", ba phát là than vãn, bốn phát là chửi thề. Vân vân và vân vân.
Phong trào đánh rắm phát triển đến mức nhiều người luyện được các chiêu thức thượng thừa. Người ta chẳng những có thể đánh các câu đơn giản như "chào bác", "chào cô" mà còn có thể đánh "tôi ghét lão Phèo", "lão Phèo thật độc ác". Có người đánh một lúc được vài trăm phát là chuyện thường, y như bắn súng liên thanh vậy. Lũ trẻ con mới mở mắt cũng học đánh rắm. Tình hình đánh rắm tại làng Vũ Đại phải nói là "trăm hoa đua nở", đủ thứ âm thanh, mùi vị, thậm chí màu sắc nữa.
Chuyện này làm cho Phèo và đám thuộc hạ đau đầu nhức óc. Cấm đánh rắm chăng? Phèo phân vân không biết xử trí thế nào. Giữa lúc đó Thị Nở xuất hiện. Thị Nở lâu nay luôn hiện ra đúng lúc và mang theo nhiều phương án cứu rỗi đời Phèo, thuở cơ hàn thì bát cháo hành hoặc cái bánh bèo nhão nhoẹt của thị, còn lúc Phèo có quyền lực thì Nở tư vấn các giải pháp quản lý xã hội vĩ mô.
"Phải cấm dân làng đánh rắm thôi", Phèo phán.
"Ấy chết, cấm nói thì được, cấm đánh rắm thì không. Không nói người ta vẫn có thể sống, còn không đánh rắm thì chỉ có nước vỡ bụng mà chết", Nở phân tích. Thị còn nói với Phèo rằng nếu cấm dân đánh rắm thì làng Vũ Đại sẽ bị các làng bên, trừ làng Lão Hạc, phê phán là gia trưởng, độc tài. Lỡ có ai đó vỡ bụng chết vì ứ hơi thì Phèo sẽ bị phê phán là vi phạm nhân quyền. Thế nên tuyệt đối không được cấm đánh rắm.
"Thế phải làm thế nào?", Phèo hỏi.
"Phải siết chặt quản lý hoạt động đánh rắm", Nở thì thào vào tai Phèo. Sau đó Nở còn nói nhiều thứ nữa, nhưng chỉ cho một mình Phèo nghe thôi.
Ngay ngày hôm sau, Phèo ra bố cáo cho toàn dân làng Vũ Đại: Phàm là người thì ai cũng phải đánh rắm. Đó là quyền lợi thiêng liêng nhất. Làng không cấm. Nhưng do có nhiều kẻ lợi dụng việc đánh rắm để phá hoại trị an nên từ nay làng sẽ siết chặt quản lý hoạt động đánh rắm. Tất cả mọi người chỉ được đánh rắm ở mức độ vừa phải và rắm phải thơm. Ai đánh rắm to, thối sẽ bị phạt nặng. Ai vi phạm nhiều lần sẽ bị trát lỗ đít, khỏi đánh rắm luôn.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp, Phèo thành lập một nhóm đặc nhiệm với thành viên là các bợm nhậu biết điều từng vào sinh ra tử với hắn ở tất cả quán xá trong làng. Ngày ngày đám này đi khắp làng dỏng tai lên nghe xem có ai đánh rắm lớn, lâu lâu lại khịt khịt mũi xem kẻ nào đánh rắm thối để đem ra trừng trị.
Kể từ đó hoạt động đánh rắm ở làng Vũ Đại đi vào khuôn phép thấy rõ. Các cao thủ đánh rắm trong làng không còn đất dụng võ. Bí quyết đánh rắm từng chuỗi dài như bắn súng máy ngày càng mai một, đi dần đến chỗ thất truyền.
Tập 3
Cai quản cái làng Vũ Đại xem ra không đơn giản tí nào. Ngồi trên chiếc ghế quyền lực được một thời gian, Chí Phèo nghiệm ra điều đó. Nhất là thi thoảng các làn sóng chống Phèo lại nổi lên, lúc thì ở đầu làng, lúc khác ở cuối làng. Chiếc ghế của Phèo lung lay thấy rõ. Để bảo vệ quyền lợi, Phèo ta liền tăng cường bộ máy quản lý. Phàm là anh em họ hàng nhà Phèo, phàm là bạn bè thân hữu của Phèo đều có một chân trong đó. Sức mạnh của Phèo vì thế được củng cố bội phần.
Ấy thế nhưng cái đám mà Phèo cất nhắc lên đều là một lũ dốt đặc. Mà ông trời oái ăm, phàm kẻ nào dốt thì kẻ đó tham thậm. Thế là chẳng bao lâu, trong bộ máy lãnh đạo của Phèo, cảnh ăn chia, đục khoét, nhũng nhiễu, tranh giành diễn ra ngày càng mãnh liệt. Tình hình trên kéo dài được một thời gian thì đám dân đen chịu hết nổi, bèn hùa nhau chửi bới om sòm. Giữa lúc tình hình quá sức cấp bách, Phèo ta triệu ái thiếp Thị Nở vào.
"Thưa, quan lớn cho gọi thiếp ạ!"
"Hừm, mấy hôm nay long thể ta bất an."
"Ai mà dám quấy rối quan lớn thế? Thưa, có phải do cái đám dân đen làm loạn không ạ?"
"Không sai. Ta đang tính đến chuyện bắt nhốt hết đám dân ba trợn ở cái làng Vũ Đại này lại", Phèo nghiến răng.
"Ấy chết, ai lại làm thế. Thời buổi văn minh này mà làm thế thì thiên hạ chửi cho. Ngay cả Lão Hạc cũng chưa dám mạnh tay thế, huống hồ...", Nở hấp tấp can ngăn.
"Thế phải làm sao? Ta mệt mỏi với cái trò chơi quyền lực này quá rồi. Làm thằng lưu manh suốt ngày rượu thịt chó và chửi rủa chắc khỏe hơn", Phèo cằn nhằn.
"Ấy, quan lớn chớ vội nản. Làm thằng lưu manh thì đâu có cung tần mĩ nữ, đâu có sơn hào hải vị, đâu có tiền hô hậu ủng như thế này được chứ. Vẫn còn cách dẹp lũ dân đen mà..."
"Cách gì? Nói nghe coi".
"Phải bắt vài đứa ạ?"
"Bắt? Chẳng phải ngươi nói là đừng có bắt người sao!"
"Bắt ở đây là bắt người nhà mình ấy. Phải thí vài con tốt thì đám dân đen mới hết nổi loạn. Sau một thời gian tình hình êm thấm rồi thì thả ra", Nở thủ thỉ.
"Hay!", Phèo đứng dậy, đập bàn quát lớn. "Ta đúng là không nhìn lầm ngươi. Từ thuở còn nằm ở cái lò gạch và ăn cháo hành cầm hơi, ta đã thấy được ngươi có tài thao lược. Hừm, nhưng bắt ai bây giờ?"
"Dạ, cứ bắt một vài đứa thân cận với quan lớn. Như vậy bọn dân đen nó sẽ dễ tin rằng quan lớn công minh.".
Ngày hôm sau, Phèo thực thi ngay kế sách của Nở. Hắn cho đám lính lệ gông cổ hai tên tay chân là Lý Toét và Xã Xệ nhốt vào đại lao. Sự chống đối trong dân chúng theo đó vơi bớt đôi phần. Uy tín của Phèo ngay lập tức trỗi dậy như củ cà rốt trong quần hắn khi thấy Thị Nở tắm dưới sông bên cái lò gạch cũ thuở nào. Một số tay làm nghề đánh trống gõ mõ vốn gần đây nảy sinh tâm lý chán ghét trò nhũng nhiễu trong bộ máy chính quyền cũng nhân dịp này đua nhau vạch mặt Lý Toét và Xã Xệ. Nào là chuyện tiệc tùng gái gú; nào là chuyện nhà lầu xe hơi; nào là chuyện cờ gian bạc lận; nào là chuyện lừa dưới dối trên của Lý Toét, Xã Xệ đều được công bố cho toàn dân làng Vũ Đại biết. Phen này hai gã Toét Xệ chắc chết đến nơi, chả còn đường nào sống được.
Bẵng đi một thời gian, khi dân làng hầu như đã quên mất chuyện cũ, đùng một cái Phèo cho tay chân dán bố cáo khắp làng. Bố cáo ghi rằng sự thật là Lý Toét chẳng phạm tội gì. Việc bắt giữ trước kia là nhầm lẫn, cũng một phần do chính quyền bị sức ép của dư luận. Xã Xệ thì cũng có một vài tội trạng nhưng không đáng kể, tạm thời ở lại trong tù.
Vào một ngày đầu hạ, khi gã mặt trời hiếu chiến vừa hắt ánh nắng chói chang xuống làng Vũ Đại, người ta thấy Lý Toét bước ra từ khám lớn. Miệng hắn cười tươi như hoa vẫy chào đám dân chúng đang há hốc mồm đứng nhìn, nhưng ẩn sâu trong mắt hắn là một tia hằn học. Vừa bước ra khỏi cánh cổng sắt, hắn đe: "Mọi ân oán phải được thanh toán sòng phẳng".
Khi Lý Toét vừa được trả tự do, người ta thấy một loạt tay làm nghề đánh trống gõ mõ trước kia từng chửi bới cặp bài trùng Toét - Xệ mặt xanh như đít nhái. Dân làng Vũ Đại vốn rất lanh trí, biết ngay chuyện gì sẽ xảy ra. Ngay ngày hôm sau, Phèo cho lính lệ đi bắt đám đánh trống gõ mõ này nhốt vào đại lao. Tội của họ được viết rõ trên tờ bố cáo rằng: vu khống Lý Toét nhằm phá hoại uy tín của lãnh đạo làng Vũ Đại.
Một đêm trăng thanh gió mát, trong hậu cung ở đình làng vốn được xây trên nền lò gạch cũ năm xưa, Nở áp má lên đùi Phèo thủ thỉ: "Trò chơi quyền lực tuy nhọc trí nhưng quan lớn đừng nản. Thuở cơ hàn, quan lớn sắp chết đói mới có được bát cháo hành cầm hơi. Giờ quan lớn dù phải lao tâm khổ tứ nhưng rượu thịt đầy nhà, muốn ái ân với thiếp cũng không cần phải thậm thụt nơi bụi chuối bờ ao nữa."
Trong khi cơn say tình ái còn ngây ngất, Phèo rì rầm: "Ta vẫn không hiểu sao ngươi lại cho bắt đám đánh trống gõ mõ kia. Làm thế chẳng phải là đánh động dư luận thêm sao?"
"Phải bắt chứ quan lớn. Phải răn đe để mấy cái mầm nổi loạn không còn dám ngóc đầu dậy. Vả lại cho thằng Toét ra thì phải có mấy thằng chịu tội thay nó chứ. Thằng Toét mà vô tội thì những thằng tố cáo nó phải có tội. Tính nghiêm minh của pháp luật là ở chỗ đó", Nở cười rúc rích, đoạn cắn nhè nhẹ vào bắp đùi Phèo.
Phèo hét lên, tiếng hét man dại đẫm mùi hoan lạc. Đã từ lâu sống trong nhung lụa nhưng Phèo và Nở vẫn giữ kiểu ái ân cắn xé cấu véo như loài thú. Trò ái ân hoang dã này vốn đã theo họ từ thuở cơ hàn nơi lò gạch cũ.
Tập 5
Những cuộc nổi dậy liên miên của lũ dân đen, đám trí thức, bọn con cháu Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ. Hắn suốt ngày uống rượu và động phòng hoa chúc với Thị Nở để quên đi phiền muộn. Lúc không thể giao hoan và có chút tỉnh táo, lòng hắn lại cồn cào tiếc nhớ những ngày tháng tươi đẹp thuở xưa.
Ngày xưa...
Ấy là khoảng thời gian sau khi Chí Phèo vừa đánh gục lão Bá Kiến để tiếp quản ghế lãnh đạo làng Vũ Đại. Hồi đó hầu hết dân chúng đều coi hắn là một trang anh hùng. Cũng có vài vụ ăn cắp, ẩu đả nhưng nhìn chung tình hình êm ấm. Hắn suốt ngày ngồi rung đùi uống rượu bên cạnh ái thiếp Thị Nở mà chả cần phải chửi bới hét hò gì cả.
Hắn nhớ, vào một ngày nọ, hình như vừa chớm hè thì phải, Lão Hạc ở làng bên đùng đùng dắt theo một đàn chó vàng sang. Lúc đó hắn đã ngà ngà say và đang chuẩn bị cho một màn mây mưa với Thị Nở thì Lão Hạc chẳng nói chẳng rằng chạy xộc vào, quơ tay lấy hũ rượu giữa chiếu tu ừng ực, đoạn khà một tiếng rõ dài.
- Rượu ngon, rượu ngon! Nhưng không thể uống lâu được.
Phèo giật bắn mình, trợn mắt hỏi:
- Sao cơ? Sao lại không thể uống lâu?
Đối với Phèo, Lão Hạc là ân nhân. Chính nhờ bã chó của lão mà Phèo đã có được ngày hôm nay. Hồi đó, sau khi phang một bình rượu vào giữa mặt Bá Kiến, Phèo đã vật đối thủ ra đất và nhét bã chó vào miệng. Thế là chỉ trong vòng ba nốt nhạc, Bá Kiến đã về gặp Cắc Mắc, Lê Ninh.
Giờ đây, Phèo thấy chột dạ khi nghe Lão Hạc phán như thế. Linh tính báo cho hắn biết dường như có chuyện chẳng lành chứ chả chơi.
Phèo cứ trố mắt đứng nhìn. Còn Lão Hạc thì cứ đi qua đi lại, hai tay chắp sau lưng, hết ngó bàn rượu lại nhìn thẳng vào mặt Phèo, đoạn đưa tay lên gãi cằm:
- Nếu ngươi không lo quản thúc đám dân chúng, e rằng... no say cũng chỉ một vài trống canh mà thôi.
Phèo há hốc mồm, vẫn chưa hiểu Hạc tiền bối nói gì.
- Ngươi tưởng rằng đám dân đen sẽ nhắm mắt phục tùng ngươi mãi chắc. Ngươi tưởng rằng đám con cháu Bá Kiến đã hết thù hận rồi chắc.
- Ơ, vậy… vậy phải làm sao bây giờ?
- Hừm, ngày mai ngươi cho con Nở qua chỗ ta, ta sẽ chỉ cách.
Sáng hôm sau, Nở ngậm ngùi chia tay Phèo, khăn gói trực chỉ phương bắc. Vó ngựa rong ruổi dặm trường, lòng nữ nhi bồi hồi khi ngắm nhìn cảnh làng xóm thanh bình, lam lũ. Băng qua mấy triền đồi, vài con suối, thị đã đến được ngôi làng to đồ sộ của Lão Hạc. Đám gia nhân chờ sẵn ở gốc đa đầu làng rước Nở thẳng về đình để yết kiến Hạc đại nhân. Kể từ giờ phút đó, trong suốt bảy lần bảy bốn chín ngày, Lão Hạc không giờ phút nào rời Nở. Ban ngày thì lão dẫn Nở đi thăm thú làng xóm, coi dân tình làm lụng, sinh hoạt hoặc đích thân giảng cho Nở các biện pháp quản lý làng nước. Ban đêm thì lão bế Nở vào phòng trong, mây mưa gió bão.
Sau chừng ấy thời gian, hương đồng gió nội xem ra đã vơi đi ít phần, Nở lưu luyến chia tay Lão Hạc để trở về với vòng tay của Chí Phèo đang ngày đêm mở rộng đón chờ. Vừa bước vào cổng làng, Nở ngạc nhiên bắt gặp nhiều đứa dân đen tụm năm tụm ba bù khú, rõ ràng là không chịu làm việc. Có mấy đứa gặp Nở mà như không nhìn thấy gì, có đứa còn đánh rắm thối um trước mặt Nở. Thị tức lắm, về mách Phèo:
- Thưa quan lớn, đám dân đen bắt đầu trễ nải công việc. Cứ đà này thì chẳng bao lâu nữa chúng sẽ làm loạn.
- Hức, anh Hạc quả là thần cơ diệu toán. Giờ, giờ… làm sao nào?
- Thưa, quan lớn không phải nhọc lòng. Trước mắt là cứ lùa bọn chúng vào hợp tác xã. Cho chúng ăn ít, làm nhiều. Đứa nào lười nhác sẽ bắt nhốt tù, không cho ăn.
Ngay hôm sau, Phèo lập tức áp dụng kế sách của Nở, lùa hết dân làng Vũ Đại vào hợp tác xã. Hắn còn cắt cử vài thằng đầu trộm đuôi cướp đứng ra quản lý đám dân đen, cứ đứa nào lười nhác, có ý làm loạn là đánh thẳng tay. Làng Vũ Đại vì thế đi vào nề nếp thấy rõ. Từ đầu đến cuối làng người người hăng hái lao động. Tối đến họ tụ tập nơi đình làng để hát múa, ca ngợi quê hương giàu mạnh thanh bình.
Trong khi đám dân đen đang hăng say cấy cày, thì nơi hậu cung, Nở lại thủ thỉ vào tai Phèo:
- Thưa quan lớn, tiện thiếp chợt nhớ đến chuyện này.
- Còn chuyện gì nói nốt rồi đi ngủ. Ta lại muốn nữa rồi. - Hồi đi du học, thiếp nghe nói một đệ tử của Lão Hạc là Kim Dung đã bào chế ra loại thuốc độc gọi là “tam thi não thần đan”. Thuốc này mà cho ai uống là người đó phải tuyệt đối trung thành. Nếu có lòng làm phản, đến khi thuốc phát tác, chủ nhân không cho thuốc giải thì chỉ có nước đau quằn quại đến chết mà thôi. Nhờ thuốc đó mà anh Hạc cai quản cả cái làng to tướng một cách dễ dàng. - Hừm, nếu có loại thuốc ấy cho đám dân đen làng Vũ Đại uống thì hay biết mấy. Sao ngươi không hỏi xin anh Hạc? - Thiếp đã hỏi, nhưng lão nói hết rồi. Thiếp cũng cố lục tìm xem trộm công thức bào chế mà không được. - Hừm, thật là vô tích sự quá đi. - Thưa, quan lớn chớ cả giận mà hại đến long thể, dương khí hao mòn, lại khổ thiếp. Thưa, vẫn còn có cách khác ạ. - Cách gì? Nói mau. Sao ngươi cứ úp úp mở mở thế. - Thiếp trộm nghĩ, là người thì ai mà chẳng uống nước, ăn cơm. Nếu ta cấm ăn uống thì họ chỉ có đường chết. - Như thế không phải giết sạch đám dân đen sao. - Không hẳn thế. Theo thiếp thì phàm cái gì cần kíp cho cuộc sống thì ta làm một tấm thẻ bài phát cho dân chúng để quản lý, như thẻ cơm, thẻ nước, thẻ đi ỉa, thẻ đi đái… Đứa nào được ta phát thẻ thì mới được phát cơm, được lấy nước, được đi tiêu, đi tiểu. Đứa nào lười nhác, phản trắc, ta chỉ cần tịch thu thẻ là nó hết đường sống. Khi ta nắm trong tay tính mạng của tất cả đám dân làng, thử hỏi có đứa nào dám làm phản nữa. Thế chẳng phải là “tam thi não thần đan” cũng phải gọi bằng bà cố sao. - Ai dà, diệu kế, diệu kế. Ngươi đúng là, đúng là… vợ của Gia Cát Lượng. Có ngươi bên mình thì ta còn lo gì, chẳng những ái ân được thỏa mãn mà chuyện quản lý cái làng cỏn con này cũng dễ dàng. Phèo liền đem kế sách của Nở ra áp dụng. Khắp làng Vũ Đại, phàm là ai sở hữu cái gì có giá trị đều bị trưng thu, từ ruộng đất, trâu bò cho đến nhà cửa. Đoạn hắn phát cho dân những tấm thẻ. Cứ đến kỳ hạn thì dân vác thẻ lên đình làng nhận thóc, nhận nước, nhận áo quần. Ai làm mất hoặc bị tịch thu thẻ thì chỉ có nước chết dần chết mòn vì đói, vì khát, vì mắc ỉa mà thôi. Dân chúng vì thế coi tấm thẻ quý hơn tính mạng, đi đâu cũng mang thẻ theo, đêm về thì đặt thẻ lên bàn thờ. Uy lực khủng khiếp của tấm thẻ đã mang đến sự thanh bình cho làng Vũ Đại. Chí Phèo và Thị Nở nhờ đó mới có nhiều thời gian để chè chén, ái ân. Thật là, Sau hồi chập chững trị làng Chí Phèo Thị Nở lại càng cao tay Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Giờ đây, chính sách ngu dân và bần cùng hóa của Phèo đã không còn tác dụng. Đám dân đen làng Vũ Đại càng ngày càng khôn ra, chúng đua đòi, a dua với mấy làng bên, bao phen làm cho quyền lực Phèo lung lay tận gốc. Phèo khổ tâm lắm. Chiều nay, ngồi một mình trong hoan phòng, nơi từng bao lần chứng kiến những cuộc mây mưa điên cuồng của hắn và Nở, Phèo thở dài: - Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu! Tập 6 Chỉ trong vòng vài năm mà đám dân đen đã nổi loạn nhiều lần, buộc Phèo phải đối phó hết vụ này đến vụ khác, mệt bở hơi tai. Đặc biệt cuộc binh biến bất thành của đám đánh trống gõ mõ theo sau vụ bắt giữ hai gã Hoàng Độ đã khiến Chí Phèo nhận ra nguy cơ to lớn treo lơ lửng trên đầu bộ máy cai trị của hắn. Kiểu này chắc cũng sẽ có lúc kiệt sức mà chết thôi. Phèo cứ thở dài thườn thượt suốt ngày, rồi lại uống rượu, rồi lại giao hoan, rồi lại tiếc nhớ quá khứ êm đềm. - Không được, phải lập lại trật tự thôi. Phải phát hành lại thẻ cơm, thẻ nước, thẻ đái, thẻ ỉa, hừm, phát hành thêm cả thẻ thở nữa. Phèo nghiến răng, đập bàn rồi thét lên. Giữa lúc đó, Nở nhẹ nhàng đến bên thỏ thẻ: - Ấy, quan lớn, thời nay ai lại làm thế, thiên hạ chúng chửi cho, với lại bọn dân đen nó sẽ vùng lên chống đối nếu ta siết chặt quá. - Thế phải làm thế nào? Chẳng lẽ suốt ngày cứ đi đối phó hết vụ này đến vụ khác à? Vậy thì còn đâu thời gian mà uống rượu, mà ân ái với ngươi nữa. - Hic, cần phải có một biện pháp quản lý vĩ mô ạ. Thiếp đang nghĩ tới một giải pháp... - Cái gì? Nói nghe coi! - Giải pháp này cần phải kiên trì, hơi tốn kém nhưng rất hiệu quả. Số là thiếp thấy bọn dân chúng ngày một khôn ra, ta làm việc gì chúng cũng nghi ngờ, có thể nói là chúng đã mất niềm tin trầm trọng. Ta phải có biện pháp gieo cấy niềm tin vào đầu chúng. Phải làm chúng tin vào quan lớn như con tin cha, như người ta tin vào Ngọc hoàng. - Như vậy nghĩa là sao? - Thưa, nghĩa là quan lớn làm Ngọc hoàng ạ. - Ta ư? Ta làm ông Trời ư? - Đúng thế, chúng ta phải có một chiến dịch pờ rờ hoành tráng, để trong mắt, trong não, trong tim đám dân đen, quan lớn là Ngọc hoàng. Vua chúa ngày xưa cao lắm cũng mới là Con Trời, còn giờ quan lớn là Trời. Dân chúng làm sao dám chống lại Trời được. - Ái dà, hay đây. Làm Trời chắc sướng phải biết. Nhưng Trời có uống rượu và... làm chuyện ấy được không? - Có chứ ạ. Quan lớn thấy có chân trời, mặt trời, lại có cả lưng trời, bầu trời nữa. Vậy thì Trời cũng là người thôi. - Được, tốt lắm. Thi hành kế này đi, càng nhanh càng tốt. Theo kế sách của Nở, đám lính lệ lập tức đi khắp làng xây đền, dựng tượng Chí Phèo. Phàm là miếu mạo đền đài có từ thời trước, bọn chúng đều dời tượng thánh tượng thần ra để đặt tượng Phèo vào. Ngay cả miếu thành hoàng đầu làng chúng cũng xây tượng Phèo ngồi chễm chệ ở gian giữa. Hình ảnh Phèo có mặt ở khắp nơi. Tiếp đó, đám lâu la còn bắt tất cả các hộ gia đình phải treo hình, thờ tượng Phèo. Song song với chuyện đền đài miếu mạo, Nở còn sai đám bồi bút sáng tác hàng loạt tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, hò vè ngợi ca công lao Phèo. Hình ảnh Phèo “vừa đi vừa chửi” năm xưa dưới ngòi bút thiên tài của đám văn sĩ làng Vũ Đại bỗng chốc trở thành một vị thánh đi rao giảng đạo lý cho chúng sinh. Hình ảnh Phèo tự cầm mảnh chai rạch mặt được giải thích là hành động chịu cực hình thay cho dân chúng. Còn cái bình rượu mà Phèo đập vào đầu Bá Kiến giờ trong các cơ sở dữ liệu tại đình làng đều ghi là cây thánh trượng trừ tà. Chuyện Phèo ẩu đả với Bá Kiến thuở xưa giờ được miêu tả chẳng khác gì Lục Vân Tiên đánh bạt bọn lục lâm thảo khấu để cứu cô em Kiều Nguyệt Nga xinh đẹp. Ngay thực tế mà ai cũng biết là Phèo vốn là một đứa con hoang bị vứt nơi lò gạch, giờ người ta cũng sáng tác thành truyện Phèo được sinh ra từ viên đá nhiệm mầu, y như con khỉ Tôn Ngộ Không vậy. Các văn sĩ đại tài của làng Vũ Đại còn được huy động chấp bút viết những lời Phèo răn dạy dân chúng. Những câu chửi điên loạn của Phèo, những lần hắn ho khan, đánh rắm đều được đám bồi bút biến hóa thành danh ngôn hoa mỹ. Số tài liệu này sau đó được đóng thành tập lớn, phân phát tới mỗi gia đình trong làng Vũ Đại. Phèo ra bố cáo bắt toàn dân phải học thuộc các lời răn dạy của hắn. Trẻ con mới nứt mắt đã phải học. Cha mẹ chúng càng phải học dữ dội hơn. Tất cả con dân làng Vũ Đại đều phải thuộc nằm lòng các câu chuyện của Phèo như giáo dân thuộc Kinh Thánh. Có chỗ nào khó hiểu, rối rắm, vô lý cũng không được cãi. Chỉ việc học thuộc như lũ vẹt học tiếng người thôi. Đám hát xẩm cuối làng thì được huy động sáng tác bài hát ca ngợi Phèo. Dần dà, các bài hát này trở thành làng ca, thánh ca. Trẻ con mới nứt mắt đã biết hát về Phèo, nhờ học được từ lời ru của mẹ. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, hình ảnh của Phèo như một vị thánh cứ thấm dần, thấm dần vào não bộ đám dân đen Vũ Đại. Dần dà, Phèo chiếm lĩnh toàn bộ đời sống tinh thần, tâm linh của dân chúng. Phèo đã trở thành Ngọc hoàng thực thụ. Còn đám dân đen làng Vũ Đại là những tín đồ phục tùng Ngọc hoàng vô điều kiện, tin tưởng Ngọc hoàng tuyệt đối. Thi thoảng cũng có một vài kẻ bạo gan, hoặc là do say rượu, hoặc là do bị ai đó bên ngoài kích động, lên tiếng chỉ trích Phèo. Ngay lập tức, đám tay chân bặm trợn của Phèo gô cổ bọn chúng lại, đưa ra giữa làng đấu tố, rồi kết tội bọn đó là dị giáo, là phản động, rồi đưa lên giàn hỏa thiêu. Nướng mọi. Đến lúc này thì làng Vũ Đại đã trở thành thánh địa của một giáo phái mà Phèo là đấng tối cao còn dân chúng là những sinh linh bé bỏng nằm dưới sự che chở của hắn. Lại một đêm trăng thanh gió mát, khi đám dân làng đang tụ tập bên ngoài sân đình, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng hát hòa quyện vào nhau thành một dàn hợp xướng hùng tráng, du dương, thì nơi hậu cung, Nở lại rúc đầu vào bụng Phèo thủ thỉ: - Giờ thì quan lớn đã có thể ăn no ngủ kỹ, đám dân đen sẽ không làm phản được nữa đâu. Phàm là người thì có ai dám chống lại Trời cơ chứ. Phèo cười: - Ngươi nghĩ ra lắm trò hay. Có như thế này ta mới rảnh rang mà mây mưa với ngươi được chứ. Nở "ứ ừ" một tiếng đầy dâm dật, đoạn thích nhẹ vào vùng thịt non nơi bắp đùi Phèo. Phèo rên lên sung sướng. Từ hoan phòng, tiếng rên lọt qua khe cửa rồi chu du tới sân đình. Đám dân cuồng tín tưởng đó là tiếng dạy của đấng bề trên giáng thế, vội sụp xuống lạy tạ và lầm rầm đọc những câu trong sách ca ngợi Chí Phèo. Quả là, Ngọc Hoàng cứ việc mây mưa Dân làng cứ việc sớm trưa cấy cày
|